Dù không nổi tiếng như chợ nổi Cái Răng, nhà cổ Bình Thủy hay vườn trái cây Vĩnh Khánh nhưng khu di tích lịch sử Giàn Gừa vẫn là một trong những nơi mà du khách “đáng lui tới” khi đến Cần Thơ. Là “dấu tích” còn sót lại sau những năm tháng chiến tranh, điểm du lịch này chứa đựng nhiều ý nghĩa thiêng liêng.
Khu di tích giàn Gừa thuộc ấp Nhơn Khánh, xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ. Đây có lẽ là Giàn Gừa có một không hai tại Việt Nam, vì những thân – nhánh gừa to lớn, tán rộng đan xen nhau chằng chịt tạo thành một Giàn Gừa khổng lồ.
Đến di tích Giàn Gừa, khách tham quan cảm thấy ngạc nhiên, choáng ngợp trước một giàn gừa nguyên sinh vững chắc, với nhiều cây, nhiều nhánh đan xen, quyện chặt vào nhau như một tấm lưới khổng lồ. Có những cành gừa còn in hằn vết tích chiến tranh với những vết đứt, vết loang lổ do bom đạn.
Tuy nhiên, những cành gừa ấy vẫn đâm chồi, vươn mình tỏa rợp bóng mát. Dưới những tán cây rộng, mọi người cảm thấy thoải mái, yên bình bởi không khí nơi đây rất mát mẻ, trong lành.
Di tích Giàn Gừa còn là nơi có nhiều huyền thoại, gắn liền với lịch sử khai hoang mở cõi của nhà Nguyễn và lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của nhân dân địa phương. Bên trong khu di tích có đền thờ Bác Hồ và một ngôi miếu nhỏ thờ Bà Thượng động Cố Hỉ.
Theo truyền thuyết mà một số người lớn tuổi của tộc họ Nguyễn ở xã Nhơn Nghĩa kể lại: vào giữa thế kỷ XIX (năm Đinh Tỵ, 1857), nhiều nhóm người từ sông Tiền di cư đến làng Nhơn Nghĩa khai hoang, trong đó có ông Cả và một số người thuộc kiến họ Nguyễn. Do đất đai nơi đây màu mỡ, phì nhiêu nên việc khai hoang thuận lợi, đất đai của kiến họ Nguyễn ngày càng được mở rộng. Từ đó, nhiều người gọi ông Cả là ông Cả Nguyễn. Một hôm, vùng này xảy ra hỏa hoạn khiến giàn gừa bị cháy. Ở làng xuất hiện nhiều dịch bệnh, nhiều con cháu ông Cả Nguyễn bị bệnh chết.
Thầy Bảy ở núi Châu Đốc, An Giang làm nghề bốc thuốc Nam đến chữa bệnh cho dân làng và khuyên mọi người nên trồng lại cây gừa.
Sau khi cây gừa được trồng lại, dịch bệnh, tai ương không còn hoành hành, cuộc sống người dân được bình yên. Về sau, mỗi khi gặp khó khăn, trắc trở trong cuộc sống, người ta đến đây cầu nguyện ngày càng đông. Con cháu họ Nguyễn liền dựng ngôi miếu thờ Bà Thượng động Cố Hỉ và lấy ngày 28 tháng 2 âm lịch hằng năm là ngày Vía, để cầu mong quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Sống cùng với những tháng năm bom đạn đầy máu lửa, khu di tích lịch sử Giàn Gừa vẫn nằm đó như nhắc nhở về sự mất mát hi sinh to lớn của thế hệ ông cha anh Giàn gừa chính là một trong những chứng nhân quan trọng của những trang sử hào hùng của dân tộc.
Giàn gừa là một thắng cảnh đẹp gắn liền với lịch sử hình thành vùng đất Phong Điền, là cái nôi cách mạng với truyền thống đấu tranh anh dũng, kiên cường của quân dân Cần Thơ. Đây còn là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhân dân để cầu mong mưa thuận gió hòa, làm ăn phát đạt…